Read the story in English here
Quan sát viên ngành năng lượng tin rằng các cam kết chính trị toàn cầu cuối năm 2023, với nội dung hướng đến mục tiêu tăng gấp ba công suất năng lượng sạch và khép lại kỷ nguyên than đá, sẽ được hiện thực hóa bằng những hành động vì khí hậu quyết liệt hơn ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo về những căng thẳng địa chính trị lớn hơn đang lan rộng khắp khu vực, bên cạnh các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng cũng như các thủ tục hành chính quan liêu có thể tiếp tục cản trở sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo.
Với dân số gần cán mốc 700 triệu, Đông Nam Á hiện là một trong những khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới nhưng cũng là khu vực phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Do đó, khởi động phát triển năng lượng sạch ở khu vực này là hành động cấp thiết nhằm ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Tiến sĩ Victor Nian, giám đốc điều hành của Trung tâm Năng lượng và Tài Nguyên Chiến lược (CSER) có trụ sở tại Singapore cho biết: “An ninh năng lượng và phát triển kinh tế sẽ vẫn là động lực chính đằng sau các quyết định liên quan đến năng lượng quốc gia; trong khi đó, các yếu tố môi trường cũng sẽ có vai trò ngày càng quan trọng hơn trong quá trình cân nhắc các quyết định đó.”
Tiến sĩ Nian nói thêm rằng, năng lượng tái tạo sẽ “vẫn là xu hướng phát triển” ở hầu hết các nước Đông Nam Á và giao dịch năng lượng sạch trong khu vực cũng sẽ phát triển hơn nữa trong năm nay.
Năm ngoái, chính phủ Singapore đã cấp phê duyệt có điều kiện cho bảy dự án nhập khẩu vài gigawatt (GW) điện carbon thấp từ Campuchia, Indonesia và Việt Nam. Khoảng hơn mười đơn đăng ký vẫn đang trong quá trình được triển khai từ khi quốc gia này đưa ra lời kêu gọi ý tưởng vào năm 2021. Các cơ quan quản lý Singapore cho biết họ đang nghiên cứu tính khả thi trong việc phê duyệt các dự án tiếp theo.
Malaysia cũng là một quốc gia đáng chú ý: nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm liên bang đối với xuất khẩu năng lượng tái tạo vào năm ngoái và đang xây dựng các quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao dịch năng lượng trong nước. Bang Sarawak ở Đông Malaysia, nơi được hưởng một số quyền tự chủ trong các vấn đề năng lượng, hiện đang theo đuổi một thỏa thuận xuất khẩu thủy điện độc lập với Singapore.
Mặc dù đã có bước tiến về mặt chính sách, nhưng nhiều khả năng là những dự án này sẽ chỉ được thực hiện vào gần cuối thập kỷ này.
Hội Nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), diễn ra vào tháng trước tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cũng có thể là nguồn động lực khác cho tiến trình này. Mark Hutchinson, chủ tịch Nhóm Công tác Đông Nam Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), cho biết nhóm này đang theo dõi tình hình hành động của các nước sau khi ký cam kết tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Cam kết không ràng buộc cho mục tiêu này nhận được sự ủng hộ của bốn quốc gia Đông Nam Á – Brunei, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Dù vậy, cuối văn bản, hội nghị thượng đỉnh đã kêu gọi toàn cầu ủng hộ nỗ lực này.
Việt Nam và Indonesia nằm trong số những quốc gia Đông Nam Á vắng mặt trong cam kết. Tuy nhiên, ông Hutchinson nói thêm rằng “những cú đẩy lớn từ doanh nghiệp” trong việc thu mua năng lượng tái tạo sẽ đẩy mạnh sự phát triển trong khu vực
Các doanh nghiệp tại cường quốc năng lượng tái tạo Việt Nam đang hy vọng rằng, việc thử nghiệm thỏa thuận mua bán điện mặt trời và điện gió trực tiếp giữa các bên mà không cần thông qua cơ quan nhà nước có thể được sớm đưa vào hoạt động. Thử nghiệm này được đề xuất vào năm 2022 nhưng các quy định về việc thực hiện vẫn còn đang được phát triển cho đến cuối năm nay.
Ông Hutchinson cho biết thêm, những quy định này đã được phát triển hoàn thiện hơn ở nước láng giềng Philippines và “cột mốc lớn tiếp theo” của quốc gia này sẽ là cuộc đấu giá điện gió ngoài khơi trong một hoặc hai năm nữa.
Philippines đã đưa ra đề xuất phát triển năng lượng tái tạo 11,6GW trong cuộc đấu giá thường niên vào năm ngoái; nhưng sự chậm trễ trong các công trình truyền tải điện khiến các nhà phát triển chỉ cam kết cung cấp được 3,4GW từ các công trình mới lắp đặt.
Kể từ đó, chính phủ cho biết họ đang chuẩn bị tiến hành một cuộc đấu giá chỉ dành riêng cho điện gió ngoài khơi. Đồng thời, Corio, doanh nghiệp có quy mô lớn chuyên về phát triển điện gió toàn cầu đã thể hiện mong muốn tham gia nếu như cuộc đấu giá này diễn ra trong năm nay. Trên lý thuyết, Philippines có tiềm năng điện gió ngoài khơi lên đến178GW và Ngân hàng Thế giới từng cho rằng việc khai thác công suất lên tới 21GW vào năm 2040 là hợp lý.
Tuy nhiên, ông Hutchinson cảnh báo rằng chuỗi cung ứng điện gió có thể lâm vào tình trạng tắc nghẽn khi các nước đồng loạt phát triển ồ ạt - một vấn đề mà ngành này đang phải đối mặt trên toàn cầu, ngoại trừ ở Trung Quốc.
Trong khi đó, các nhà phát triển ở Indonesia đang hy vọng vào khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn nhờ vào những quy định rõ ràng hơn trong tương lai. Cuối năm ngoái, Viện Cải cách các Dịch vụ Thiết yếu (IESR) đã thực hiện khảo sát ý kiến của mười doanh nghiệp ngành năng lượng tái tạo; và một nửa số doanh nghiệp này cho rằng không có sự nhất quán trong các quy định quốc gia về chuyển đổi năng lượng.
Ngoài ra, tất cả các nguồn tài trợ công cho năng lượng tái tạo đều không hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu. Nhiều doanh nghiệp kêu gọi đưa ra các chương trình hỗ trợ giá điện đầu vào, cũng như yêu cầu nhà nước mua vào với mức giá cố định và hợp lý hơn.
Trong báo cáo triển vọng chuyển đổi năng lượng năm 2024, IESR cho rằng sự lãnh đạo tốt hơn và khung chính sách chặt chẽ hơn là hai yếu tố cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Indonesia.
Ba ứng cử viên tranh cử tổng thống Indonesia dường như đã nhận thức được điều này và đều cho biết họ sẽ tiếp tục cắt giảm than đá, cũng như tăng cường năng lượng tái tạo. Theo tin của Reuters, hai ứng cử viên Prabowo Subianto và Ganjar Pranowo nói rằng, họ sẽ mở cửa thị trường điện cho phép cạnh tranh tư nhân – một động thái mà các nhà phát triển cho rằng có thể giúp thu hút về cho ngành năng lượng sạch thêm nhiều nguồn lực hơn.
Cuộc bầu cử tổng thống Indonesia được ấn định vào ngày 14 tháng 2.
Các nhà sản xuất đang giảm tốc
Trong vài năm trở lại đây, Đông Nam Á dần trở thành trung tâm sản xuất tấm pin mặt trời khi được các hãng lớn của Trung Quốc chọn làm nơi đặt nhà máy .
Tuy nhiên, từ đây cho đến năm 2028, khu vực này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn do tăng trưởng toàn cầu của ngành năng lượng mặt trời đang hạ nhiệt theo chu kỳ kinh tế tự nhiên; đặc biệt là ở các thị trường trưởng thành như châu Âu và Trung Quốc – theo dự đoán của công ty tư vấn tài nguyên Wood Mackenzie.
Đồng thời, theo bà Paula Mints, nhà sáng lập công ty nghiên cứu SPV Market Research, ngành này hiện đang ở tình trạng dư thừa đáng kể, với lượng hàng thu mua tồn kho ở mức kỷ lục. Do đó, bà Mints cũng nói rằng, các nhà sản xuất ở Đông Nam Á sẽ chịu mất biên lợi nhuận đáng kể - theo Eco-Business.
Thêm vào đó, vào năm 2022, Mỹ đã công bố mức thuế quan bất lợi với các nhà sản xuất tấm pin mặt trời, pin và mô-đun đến từ Trung Quốc đang hoạt động tại Đông Nam Á. Mức thuế này sẽ chính thức được áp dụng vào tháng 6 năm nay.
Mức thuế nhập khẩu tăng đến 250% này ban đầu chỉ áp dụng lên sản phẩm đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, do Mỹ đã cáo buộc các công ty Trung Quốc có hành vi lách phí bằng cách gia công ở nước ngoài, mức này cũng sẽ được áp dụng cho cả hàng từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Số lượng tấm pin điện mặt trời từ bốn quốc gia Đông Nam Á này chiếm hơn 75% lượng nhập khẩu của Mỹ.
Các loại thuế mới có thể sẽ là nguyên nhân di dời nhà máy sản xuất của các hãng Trung Quốc: một số công ty đã thông báo về kế hoạch tiến vào thị trường Indonesia. Có khả năng họ cũng sẽ thay đổi sản phẩm của mình: Trina Solar (Trung Quốc), một trong những nhà sản xuất quang điện lớn nhất toàn cầu, đã khởi động sản xuất tấm bán dẫn silicon - tiền thân của pin mặt trời tại Việt Nam. Họ nói rằng động thái này giúp hãng tuân thủ những luật lệ nhắm vào các linh kiện trong chuỗi giá trị sản xuất đặt ra bởi chính phủ Mỹ.
Bà Mints nói thêm rằng có một “lỗ hổng khá lớn” trong các quy định của Mỹ : các nhà sản xuất Trung Quốc được phép vận chuyển pin mặt trời đến các nước khác ngoài bốn quốc gia kể trên, để thực hiện khâu lắp ráp.
Tuy nhiên, các dự án của Trung Quốc sẽ góp phần phát triển năng lượng sạch của Đông Nam Á trong những năm tới. Tiến sĩ Nian từ CSER cũng cho biết : những ông trùm điện mặt trời của Trung Quốc đang đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tại các quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines.
Tờ Jakarta Post đưa tin gã khổng lồ sản xuất pin CATL cũng đang cho xây dựng nhà máy sản xuất pin ô-tô điện ở Indonesia trong năm nay. Mục tiêu cuối cùng của nhà sản xuất này chính là xây dựng chuỗi cung ứng đầu-cuối trong nước, từ khai thác mỏ đến tái chế pin.
Liệu đây có phải là những đột phá công nghệ mới?
Tiến sĩ Nian nói thêm rằng hai “chủ đề nóng” trong khu vực là năng lượng hạt nhân và nhiên liệu hydro sẽ có nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa.
Tiến sĩ cho biết, Indonesia và Philippines có khả năng đang bắt đầu xây dựng chính sách và quy định vì hai quốc gia này đang hướng tới phát triển năng lượng nguyên tử trong hai thập kỷ tới.
Năm ngoái, hai nước này đã ký các thỏa thuận ban đầu về xây dựng các lò phản ứng mô-đun nhỏ, được cho là an toàn hơn và rẻ hơn so với các lò có quy mô kích thước lớn. Trong khi Indonesia có quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc, thì Philippines cũng vừa làm việc với Mỹ vừa đàm phán hợp tác với Trung Quốc. Đây có thể là hệ quả đến từ những tác động về mặt địa chính trị.
Tiến sĩ Nian cho biết: “Cân bằng lợi ích của các bên liên quan và đối tác chiến lược trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ bất ổn sẽ là một con đường đầy thách thức và hỗn loạn cho các nước Đông Nam Á”.
Tiến sĩ nói thêm rằng những năm tới cũng sẽ là thời điểm “then chốt” cho việc phát triển năng lượng hydro.
“Nếu cam kết về mặt chính sách không thể giải quyết những bất ổn và rủi ro mà ngành công nghiệp này hiện đang đối mặt, thì quỹ đạo tăng trưởng bền vững để phát triển năng lượng hydro sẽ khó thành hiện thực” – cũng theo tiến sĩ Nian.
Trong khi các quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách thay thế nhiên liệu công nghiệp và thậm chí sản xuất điện hydro từ các nguồn tái tạo hoặc kết hợp với giảm thiểu cacbon, thì các vấn đề về giá cả và chuỗi cung ứng đang làm chậm tiến độ các dự án này.
Nian cho biết, việc duy trì chính sách “mở cửa” cho nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ là điều kiện “tối quan trọng” để có thể đạt được các mục tiêu năng lượng sạch của Đông Nam Á.